Trong chuyến đi kéo dài 4 tuần, nhóm chuyên gia đã phát hiện ra những vũng nước cực mặn ở Vịnh Aqaba của Biển Đỏ.
Nó là một hồ muối chết hình thành dưới đáy biển, nơi có độ mặn cực cao. Chúng có môi trường sống khắc nghiệt nhất trên trái đất, hoàn toàn thiếu oxy và có thể giết chết bất kỳ sinh vật nào không may bơi vào.
Được biết, những hồ nước mặn chìm này chỉ cách bờ khoảng 2km.
Giáo sư Sam Purkis từ Khoa học Địa chất Hàng hải tại Đại học Miami, Mỹ, cùng nhóm của ông đã phát hiện ra cụm hồ “tử thần” này khi đang di chuyển bằng tàu OceanXplorer của tổ chức thám hiểm đại dương OceanX. Đây là chuyến thám hiểm khám phá bờ Biển Đỏ của Ả Rập Xê Út. Khu vực này trước đây ít được chú ý.

Sử dụng các phương tiện dưới nước được điều khiển từ xa, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các hồ nước mặn sâu 1,77 km dưới bề mặt Biển Đỏ. Hồ “tử thần” được đặt tên là NEOM, với hồ lớn nhất có diện tích khoảng 10.000 mét vuông, trong khi ba hồ nhỏ hơn có diện tích chưa đến 10 mét vuông.
“Ở những độ sâu này thường không có nhiều sự sống dưới đáy biển, nhưng các hồ nước mặn là ốc đảo giàu sự sống. Những thảm vi khuẩn dày đặc hỗ trợ nhiều loại động vật.”
“Đáng chú ý là tôm, lươn, cá, dường như sử dụng hồ siêu mặn này để săn mồi. Nước trong hồ có độ mặn cao và thiếu ôxy, con vật nào không may bơi vào đó sẽ bị choáng váng hoặc chết.
Những kẻ săn mồi thường ẩn náu gần các hồ nước, tìm cách ăn thịt những con vật kém may mắn hơn “, Giáo sư Purkis cho biết thêm.

Hiện nay, không có nhiều hồ nước mặn lớn trên thế giới. Chỉ có ba vùng biển có hồ muối: Vịnh Mexico, Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Đặc biệt, Biển Đỏ có số lượng hồ nước mặn cao nhất thế giới. Phát hiện mới nhất của chuyên gia Purkis và nhóm của ông đóng vai trò quan trọng trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở khu vực ven biển Vịnh Aqaba.
Với chiều dài khoảng 1.900km và nơi rộng nhất hơn 300km, Biển Đỏ có độ sâu tối đa 2.500m, là nơi sinh sống của hơn 1.000 loài động vật không xương sống và 200 loài san hô cứng và mềm.
Qua: Dantri.vn